Cách trị 13 căn Bệnh Sen Đá thường gặp (rệp sen đá, nấm rễ)

13 Can benh sen da thuong gap dau hieu va cach tri tan goc
Chia sẻ

Nếu bạn nghe ai đó bảo “sen đá khoẻ lắm, dễ chăm, ít khi bị bệnh” thì ĐÚNG RỒI nhen! Nó chỉ ĐÚNG với một số dòng dễ chịu khoẻ khoắn thôi. Những ai chơi sen lâu hoặc có cây đã trồng được 2-3 năm vẫn bị bệnh, chết ẻo như thường… Vì vậy, sau khi trồng cây đã mua về, bạn cũng cần có cách chăm sóc đúng cách để đảm bảo cây phát triển ổn định.

Sau đây, An Bảo Garden sẽ chỉ ra các căn bệnh sen đá thường gặp nhất, dấu hiệu cây sen đá bị nấm đen và cách xử lý kịp thời đem lại hiệu quả tốt nhất (60-70%).

>>> Xem thêm:

1. Bệnh cháy nắng ở sen đá

Đại đa số các dòng sen đá đều là loại ưa nắng, nhưng cũng có loài ưa nắng vừa, nắng ít. Nếu bạn không biết được đặc tính từng loại rất dễ làm cây bị cháy ở xứ nóng này. Đặc biệt khi cây được trồng full nắng, với nhiệt độ cao nắng gắt từ 10h-14h vào mùa khô.

Biểu hiện: lá của cây sẽ bị héo, khô, teo lại, phần đầu ngọn lá có màu đen như cháy khét.

bệnh cháy nắng của sen đá
Bệnh cháy nắng của sen đá

Cách xử lý

  • Trên thực tế những lá bị khét nắng không thể phục hồi như hình dáng ban đầu, nên trông có vẻ khá xấu xí. Nhưng bạn yên tâm thời gian sau, bạn có thể bức các lá này đem đi nhân giống sau cũng được.
  • Tình hình trước mắt, bạn hãy đem cây vào chỗ mát có ánh sáng bán phần, kiểm tra giá thể của chậu khô hay ẩm, sau đó tăng cường độ tưới nước cho cây vào mùa khô. Cuối cùng đợi cho ra lá mới.

2. Sen đá bị bệnh Bội Nhiễm

Căn bệnh sen đá tiếp theo mình muốn chia sẻ đó là BỘI NHIỄM. Bây giờ bạn quan sát kỹ tấm hình bên dưới, có thể bạn sẽ thấy cây có biểu hiện của bệnh cháy lá.

cây bị bội nhiễm có các vết đen nhỏ li ti
Cây sen đá bị đốm đen li ti do Bội Nhiễm

Tuy nhiên, khi chúng ta đã di chuyển cây vào chỗ mát hơn các dấu hiệu của cháy lá sẽ ngừng lại và không phát triển hơn.

Trường hợp bạn đã di chuyển vào chỗ mát hơn rồi, NHƯNG cây vẫn tiếp tục có những chấm đen này và lan rộng ra, làm cho lá bị héo hoặc bị hư thì đây là dấu hiệu của bệnh BỘI NHIỄM.

Nguyên nhân

Đây là biểu hiện của cháy nắng cộng với nhiễm khuẩn. Khi cây bị cháy lá và làm cho lá có những tổn thương, vi khuẩn từ đó lợi dụng các vết thương này mà xâm nhập vào và làm cho sen đá bị nấm lá.

Từ những vết thương nhỏ nhỏ li ti này, vi khuẩn nó sẽ làm khuếch đại lên thành những mảng đen lớn hơn. Cây từ từ nó sẽ bị thối hoặc là nó bị teo lại phần đó, từ từ rộng lan toàn thân cây, làm cho cây của bạn chết luôn.

Biện pháp xử lý

  • Bạn nên ngắt bỏ hết những cái lá nào nó có hiện tượng cháy nhưng vẫn bị lan rộng, mặc dù đã dời cây vào chỗ mát. Để tránh lan rộng ra trên toàn thân cây và sang các chậu còn lại.
  • Để tiêu diệt loại nấm này bạn có thể dùng thuốc ở diện rộng như CC85 gốc đồng, Anvil, thuốc gốc bạc Antracol,…

3. Sen đá thiếu nước

Bệnh sen đá thiếu nước thường có các biểu hiện như:

  • Lá sen đá bị vàng mềm
  • Màu sắc lá bị nhợt dần
  • Các lá cây rủ xuống
  • Lá sen đá bị nhăn, nhanh rụng

Cây bị thiếu nước trong suốt một khoảng thời gian gian sẽ khiến các lá mới bị cụt đi, không còn xinh xắn như ban đầu.

sen tim thiếu nước
Sen tim thiếu nước

Nguyên nhân bị thiếu nước có thể do:

  • Cây bị khô nóng, thiếu độ ẩm
  • Phần rễ của cây không hút được nước do bị nén chặt, hoặc rễ con, rễ hút không phát triển
  • Tưới nước quá ít, không tưới đẫm để nước chảy ra khỏi đáy chậu

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể xử lý theo từng bước.

  • Đầu tiên, hãy cung cấp nước dần dần cho cây nhưng đường tưới quá nhiều dẫn đến trồng sen đá bị úng nước, khi tưới hãy tưới đẫm ở phần gốc để nước thoát ra ngoài.
  • Trường hợp đã tưới đầy đủ nhưng cây vẫn bị tình trạng trên, hãy đảo chậu kiểm tra lại bộ rễ, nếu rễ có vấn đề cần cắt bỏ bộ rễ đó. Sau đấy, bạn hãy đem phơi cây tầm 1 – 2 tuần đợi cây ra rễ con mới rồi hẳn đem trồng vào giá thể (nhớ là giá thể mới hoàn toàn nhen).

4. Bệnh sen đá, cây bị thiếu nắng

Sen đá cần nắng để quang hợp và cho ra màu hồng, đỏ rực, đen, tím cực đẹp nhưng khi bị thiếu nắng, cây lại vô cùng yếu ớt.

Biểu hiện dễ thấy nhất đó là:

Màu sắc của lá xanh nhợt nhạt, xuống màu, đặc biệt với các dòng ưa nắng như ngọc trinh, tứ phương, kim cương,… phần thân sẽ cao lều khều, “ốm tong teo”, lá mọc lưa thưa hoặc sen đá bị xoè lá, “mặc váy”. Cây mọc cao như vậy, do cây muốn hướng về ánh mặt trời mọc.

bệnh sen đá - thiếu nắng
Bệnh sen đá – thiếu nắng

Biện pháp xử lý

Cây bị thiếu nắng sẽ làm mất form dáng, không thể khôi phục hình dạng ban đầu. Nếu bạn muốn giữ dáng này thì có thể đem cây ra ngoài nắng, nhưng đảm bảo giá thể phải dễ thoát nước nhé.

Còn bạn muốn cây có dáng như cũ thì cách tốt nhất là cắt phần nhánh, sau đó đem đi giâm trồng vào chậu mới.

5. Bệnh Thán Thư trên sen đá

Tiếp là bệnh thường thấy nhất là THÁN THƯ, biểu hiện là sen đá bị đốm đen và chấm đen này nó lõm vào, nếu để càng lâu thì vết đen này sẽ lan rộng ra, một thời gian sau lá cây nó bị teo dần và chết. Chú ý, cái vết đen này nó không có hình dạng nhất định, tròn hoặc méo.

bệnh sen đá - thán thư
Bệnh sen đá – thán thư

Cách xử lý

Ngắt bỏ lá hư, đưa chậu bị bệnh sang chỗ cách ly để tránh làm lây lan cây khác.

Rồi dùng thuốc phun ngừa như Champion, Anvil,… bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Nhưng quan điểm của mình là ít khi dùng thuốc, chỉ dùng chế phẩm sinh học hữu cơ hoặc tự điều chế IMO để khắc phục.

6. Héo thân do nấm Fusarium

Các dấu hiệu của bệnh do nấm Fusarium gây ra đó là:

  • Lá non không phát, cây bị mất màu và chậm phát triển
  • Sen đá bị xoè lá, hiện tượng “mặc váy” và lá cũng khô héo dần
  • Đột nhiên, sen đá bị rệp trắng xuất hiện ở gốc cực kỳ nhiều
  • Sau đó cây có dấu hiệu teo dần từ gốc đi lên, lên tới đỉnh là chết
  • Khi nhổ cây lên thì thấy cây không phát rễ con
bệnh héo thân do nấm Fusarium
Bệnh héo thân do nấm Fusarium gây ra cây sen đá kim cương, hồng mập

Nếu cây khoẻ mạnh thì lúc bạn cắt cái thân ra, bạn sẽ thấy cái lõi bên trong màu trắng không có bị bầm, đen. Trường hợp thấy màu đen, nâu, bị bầm thì đây là dấu hiệu của bệnh Fusarium.

lõi cây bị khô và tắc nghẽn
Lõi cây sen đá kim cương sau khi cắt, kiểm tra thì đã bị khô và tắc nghẽn

Bệnh này làm tắc nghẽn mạch dẫn nước, làm cây suy dần dần, thân bị héo lại và cây sẽ chết. Khi bóp phần thân cây sẽ thấy cây bị mềm không bị xì nước và có mùi hôi nhẹ

Nguyên nhân

Bệnh này chủ yếu do đất trồng có mầm bệnh từ trước, không xử lý sạch, do đó nó lây từ rễ, thâm nhập vào gốc rồi lên thân.

Biện pháp khắc phục

Để xử lý bệnh này mọi người cắt bỏ phần thối đen, cắt bỏ hết. Sau đó mọi người để 1 tuần, cây sẽ ra rễ mới rồi mình tiến hành trồng lại với đất mới. Đất cũ mọi người muốn sử dụng lại thì nên phơi nắng vài hôm, trộn với Trichoderma hoặc nấm săn tuyến trùng.

xử lý cây bị nấm Fusarium
Xử lý cây bị nấm Fusarium

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cách xử lý giống mình, để ra rễ con nhanh. Sau khi cắt đi phần lõi bị bầm, nâu đen:

  • Bạn chuẩn bị một chiếc hũ, đổ nước sạch bên dưới, lấy màn bọc phần miệng hủ
  • Tiếp theo khoét lỗ để vừa thân cây sen đá. Rồi đặt cây vào trong, cách làm này giúp kích thích ra rễ con nhanh hơn bình thường.

>>> Xem thêm bài viết: 5 cách nhân giống sen đá

7. Bệnh thối nhũn ở sen đá do nấm Erwinia Carotovona

Tiếp theo là căn bệnh sen đá rất dễ nhầm lẫn với nấm Fusarium đó là bệnh thối nhũn trên sen đá do vi khuẩn Erwinia gây nên.

Đối với bệnh Fusarium thường xuất phát điểm là từ phần gốc đi lên nhưng riêng cái căn bệnh này, ngoài gốc ra nó còn bị từ giữa thân, rồi trên lá cũng bị luôn, bệnh thối thân ở sen đá lan cực kỳ nhanh, cho nên rất nguy hiểm cho sen đá.

Thường mọi người phát hiện bệnh cây bị mắc bệnh rất trễ. Đến khi mà nó có dấu hiệu (như hình) nó bị đen, lá bị mọng nước, lúc này đã quá muộn rồi không còn cứu được nữa

  • Bệnh do nấm Erwinia gây ra khác với Fusarium, khi bạn bóp lá bị hư hoặc là cái phần thân bị hư nó sẽ chảy dịch và nó có mùi rất là hôi.
  • Còn khi bạn cắt cái thân ra để xem thì mấy bạn thấy nó có một phần bị bầm hơi tím tím, đen đen thì nó khác với Fusarium hồi nãy nó có một cái đường màu nâu hoặc là đen ngay chỗ mạch dẫn dinh dưỡng và nước, riêng cái bệnh này nó thối hết luôn chứ nó không chỉ thối ở cái mạch dẫn nước của cây.
lõi cây bị bầm
Lõi cây bị bầm

Dấu hiệu nhận biết bệnh tối nhũn ở sen đá

Bệnh thối nhũn nếu bị trên lá thì mọi người dễ phát hiện, còn nếu bị ở thân, rễ, gốc thì cực kỳ khó phát hiện và thông thường là đến khi mình thấy có dấu hiệu thì lúc đó đã trễ mất rồi… huhu.

NHƯNG có một cách để mọi người phát hiện sớm đó là

  • Bạn nhìn lên đỉnh cây nếu như mấy bạn phơi nắng đầy đủ cho cây luôn mà bỗng một ngày cây nó đổi sang một cái màu rất là kỳ lạ như lá nhợt nhạt và trắng nhách thì đó là dấu hiệu đầu tiên.
  • Dấu hiệu thứ hai là lá của cây bị bẹp xuống, rũ xuống nó không có cúp lên như lúc khoẻ mạnh
Biểu hiện lá cây bị thối nhũn
Biểu hiện lá cây rũ xuống, cây có dấu hiệu thối nhũn

Nguyên nhân bệnh thối thân ở sen đá

Nguyên nhân bệnh này chủ yếu lây qua cây bị thương có nghĩa là cây sen đá của bạn vô tình bị xước hoặc là có con gì nó cắn hoặc chích, điển hình như con rệp sáp, nó làm cây có vết thương và sau đó cái con nấm Erwinia nó nhằm vô vết thương đó và nó tấn công cây làm lây lan bệnh.

Xử lý bệnh này tương tự như cách xử lý fusarium

  • Trước tiên là cách ly cái cây, rồi sau đó loại bỏ hết phần bị đen, thối
  • Đối với lá ngắt bỏ hết, đối với thân mình sẽ cắt bỏ phần đen đó đi chờ ra rễ mới và trồng với đất mới.

Để ngừa bệnh này, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc đặc trưng như tri vi khuẩn như Starner, ngoài ra các loại thuốc nào có chứa Mancozeb điển hình như Cadillac hoặc là Ridomil Gold đó là những cái thuốc chuyên trị.

8. Nấm bồ hóng Capnodium

Một cái loại nấm thường gặp đó là nấm bồ hóng. Nếu như ai mà có trồng đu đủ hoặc lan sẽ hay gặp căn bệnh này.

Biểu hiện

Biểu hiện của căn bệnh là cái mặt dưới của lá hoặc trên thân xuất hiện một mảng màu đen. Và khi bạn lấy cái tâm bông chùi thử cái màu đen này nó sẽ tróc ra.

Nấm bồ hóng Capnodium
Nấm bồ hóng Capnodium, rệp sáp trắng

Nguyên nhân

Bệnh này là do nấm Capnodium nó gây ra, cái con “quễ nhỏ này” nó sống hoại sinh trên cái dịch tiết ra của con rệp sáp hoặc con nhện đỏ.

Vì vậy, hễ cứ thấy rệp sáp là sẽ đi kèm cái con nấm Capnodium luôn. Bởi vậy muốn ngừa nấm này bạn nên diệt rệp.

Biện pháp khắc phục

Mọi người phải dọn dẹp những cái lá già để tránh con rệp nó núp trong đó nó sẽ gây bệnh này. Loại nấm này không gây nguy hiểm như các loại nấm ở trên tuy nhiên nếu để nó phát triển dày đặc, nó sẽ làm cây quang hợp bị yếu và nó sẽ chết do các bệnh khác.

  • Bạn có thể dùng nước rửa chén pha loãng sau đó dùng bông tâm chùi cho sạch các lớp màu đen đó đi là được.
  • Nếu bạn không có thời gian, mấy bạn có thể sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Chlorothalonil là Daconil, COC85 cũng được.

9. Bệnh nứt lá

Tiếp theo mình sẽ chia sẻ một căn bệnh sen đá đó thường dính phải đó là hiện tượng nứt lá.

Dấu hiệu này thường xảy ra khi bạn trồng sen đá bị úng nước do trộn đất không thoát kịp nước nó ứ đọng trong chậu, cây nó hấp thụ nước quá nhiều và là sẽ dễ bị nứt. Căn bệnh này thường xảy ra ở cây sen đá viền hồng hoặc là cây sen tim,…

Bệnh sen đá - nứt lá
Bệnh sen đá – nứt lá

Khi phát hiện các dấu hiệu này, bạn cần thay mới loại đất dễ thoát nước hơn và mình kiểm tra xem lại cái lượng nước mình tưới như thế nào, khi mấy bạn tưới cây hãy kiểm tra xem chậu nó khô hẳn chưa rồi tưới, đừng tưới nước thường xuyên.

Cái dấu hiệu này, tuy nó không gây nguy hiểm tuy nhiên mà mình vô tình cái vết thương trên lá bị nứt, để dính nước vào thì rất dễ mắc các bệnh về nấm, và vết nứt này không bao giờ lành lại, làm cho cây xấu, mất thẩm mỹ.

10. Bện sen đá – cây nổi thẹo

Một cái bệnh tiếp theo là lá xuất hiện cái nốt lồi lồi lên, nó phù lên, sần sùi như nổi ghẻ…

cây nổi cục sần sùi
Cây nổi cục sần sùi

Dấu hiệu của bệnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau:

+Nguyên nhân đầu tiên là côn trùng nó đốt, nó cắn làm cho cây bị thẹo.

+Nguyên nhân thứ hai đó là thể hiện sự mất cân bằng trong việc thoát hơi nước:

  • Khi rễ cây phát triển mạnh và hút nhiều nước quá, thân và lá không thoát hơi kịp, làm cho lá bị phù, bị ung cục nước lên.
  • Do đó, căn bệnh này nó thường xuyên khi vào mùa mưa liên tục, không có nắng, lúc này tốc độ thoát hơi nước của cây rất chậm. Bạn nào hay trồng full nắng mưa mà chỗ để nó bí hơi ít nắng, mưa liền tục, cây nó sẽ có hiện tượng này.

+Ngoài ra, bạn nào hay bón nhiều phân kích rễ, làm cây hút nhiều nước quá thì nó cũng gây ra hiện tượng NỔI THẸO.

Cách khắc phục

Vì vậy, để hạn chế cây mắc bệnh “nổi thẹo” bạn phải đặt cây ở môi trường thoáng, có nắng, thoát mát

Hoặc bạn xem lại đất mình trộn có đủ cái tốc độ thoát nước nhanh chưa hay là nó còn ứ nước trong đó? Căn bệnh này không gây nguy hiểm cho cây nhưng mà làm cây sen đá mất tính thẩm mỹ.

11. Bệnh sen đá – Cây bị cháy đầu lá

bệnh cháy đầu lá ở sen đá
Bệnh sen đá – cháy đầu lá

Bệnh tiếp theo hay gặp đó là bệnh cháy đầu lá, bệnh này cũng có nhiều nguyên nhân. Sau đây mình sẽ liệt kê một số nguyên nhân thường gặp:

  • Đầu tiên đó là dấu hiệu cây nó đang thiếu chất, thiếu dinh dưỡng điển hình là thiếu Canxi, Kali ngoài ra là yếu tố dinh dưỡng vi lượng. Vì vậy mấy bạn cần xem lại đất trồng đã đủ dinh dưỡng hay chưa? Hay cây của bạn trồng trong thời gian quá lâu hơn 1-2 năm rồi không thay đất thì mấy bạn nên thay đất.
  • Nếu như bạn đã bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nhưng cây vẫn có dấu hiệu này thì có khả năng cao rễ của cây bị hư, rễ bị hư nên cây không hấp thụ được dinh dưỡng không có đẩy dinh dưỡng và nước lên làm cho đầu lá bị cháy. Lúc này mấy bạn cần nhỏ cái cây lên kiểm tra coi, cái gốc nó có bị thối hay không nếu có cắt bỏ hết phần thối đó đi chờ ra rễ mới rồi trồng đất mới

12. Sen đá bị phấn trắng

Sen đá bị đốm trắng có thể là do bệnh nấm phấn trắng gây nên. Bệnh này hình thành là do vào mùa đông, khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp, ánh sáng ít là điều kiện của bào tử nấm phấn trắng hình thành.

bệnh phấn trắng trên sen đá
Bệnh phấn trắng trên sen đá

Cách xử lý cũng rất đơn giản bạn có thể:

  • Dùng tăm bông nhúng cồn 70 độ sau đó lau sạch lá cây
  • Đất trồng có thể chứa mầm bệnh nấm, bạn nên thay giá thể mới cho cây
  • Lên lịch tưới cây hợp lý, vào mùa đông nên hạn chế việc tưới nước lại. Đợi khi nào đất khô hoàn toàn hẳn tưới và đủ lượng nước.

13. Bệnh sen đá bị rụng lá

Trường hợp bạn thấy cây, sen đá bị vàng rụng lá liên tục, không cho ra lá mới hoặc đụng nhẹ đã gãy rụng.

Bước đầu, bạn cần kiểm tra xem cây có bị nấm hại như ở trên hay không nhé?

  • Cảm thấy bệnh của cây nhẹ có thể cứu chữa bằng cách loại bỏ phần hư, đợi ra ra rễ mới rồi đem đi trồng hoặc phun thuốc diệt nấm.
  • Nếu gặp cây quá nặng không cứu được, bạn cứ vứt bỏ để tránh lây sang khắp vườn.

Lưu ý: Không phải cứ vàng và rụng nào cũng là dấu hiệu của bệnh hại. Nếu lá chỉ vàng, héo úa ở phần gần gốc thì đơn giản đó chỉ là lá già của cây thôi. Bạn chỉ cần chờ đợi lá khô héo hẳn rồi từ từ bứt bỏ lá đó là được.

14. Cây sen đá bị rệp trắng

Dấu hiệu sen đá bị rệp:

  • Bạn sẽ thấy cây đột nhiên xuất hiện nhiều kiến, nhìn kỹ ở phần ngọn hoặc dưới nách lá bạn thấy rệp ở sen đá.
  • Rệp sen đá có màu trắng bu bám từ trên thân cây, cho đến phần gốc rễ
cách trị rệp trắng trên sen đá
Rệp trắng trên sen đá

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sen đá bị rệp, thông thường do độ ẩm trong môi trường đất quá cao thu hút côn trùng gây hại hoặc do cây sen đá bị nấm rễ, nấm Fusarium…

Cách trị rệp trắng trên sen đá:

  • Nếu số lượng ít, bạn có thể dùng nhíp hoặc tay để bắt.
  • Số lượng trung bình, bạn có thể dùng nước cồn 70 độ, nước rửa chén pha loãng với nước hoặc thuốc trừ sâu hữu cơ IMO6 để trừ khử.
  • Trường hợp xuất hiện quá nhiều từ trong đất cho đến thân cây, chứng tỏ đất trồng có vấn đề và cây của bạn đang bị nấm cần xử lý MẠNH TAY. Như kiểm tra lại phần gốc, rễ cây cắt bỏ chỗ bị nấm và thay đất trồng mới.

15. Những mẹo phòng bệnh cho sen đá

Như vậy Blog An Bảo Garden đã sơ lược những chủng nấm, căn bệnh sen đá thường hay gặp. Bây giờ, mình sẽ nói sơ về cách phòng ngừa, mặc dù những chủng nấm khuẩn này nó có hình dạng, đặc điểm, cấu tạo, phương thức hoạt động không giống nhau. THẾ NHƯNG, về cái điều kiện để sinh sôi thì đa số tất cả loài nấm đều có điểm chung như thế này:

  • Dễ phát triển trong điều kiện môi trường ẩm thấp, độ ẩm quá cao
  • Dễ sinh sôi khi mà môi trường, chỗ để đó nó thiếu ánh sáng, thiếu nắng
  • Không gian thiếu gió, quá hầm hơi
  • Khi mà nhiệt độ dưới 25 độ C đó là mức nhiệt độ mà vi khuẩn có hại dễ phát triển mạnh nhất

Điều này giải thích cho việc bạn hay để cây ở chỗ bí gió, ít nắng như là ở trong nhà hay dưới mái hiên là thường xuyên bị nấm.

VÌ VẬY, biện pháp ngừa nấm hiệu quả nhất đó là:

  • Bạn đặt cây chỗ nào mà nó đón nắng được tối thiểu 4-6 tiếng nắng/ ngày cả mùa mưa và mùa nắng luôn mà mấy bạn nên để cái chỗ thông thoáng gió, gió càng nhiều càng tốt.
  • Những bạn nào đang sử dụng những cái lưới lan để mà giảm nắng vào buổi trưa thì bạn nên làm cái dạng di động, kéo ra kéo vô được. Để mà khi vào mùa mưa, không có ánh sáng, ánh nắng, bạn kéo lưới lan ra một bên để cây nhận được nhiều ánh sáng nhất có thể nhằm hạn chế phát sinh nấm.
  • Ngoài ra, mấy bạn có thể áp dụng cách xịt nước vôi trong để ngăn ngừa nấm

Bàn về thuốc diệt nấm, thuốc ngừa nấm

thuốc trừ sâu nấm bệnh trên thị trường
Thuốc trừ sâu nấm bệnh, nên hạn chế dùng

Bạn không cần quá quan trọng cái tên thuốc là gì nhen, quan trọng mình chú ý vào cái thành phần của thuốc chứa những chất gì? Và có ghi chữa được cái bệnh đó hay không? Ví dụ cây của bạn bị thán thư thì xem thành phần thuốc có chữa thán thư hay không?…

Một số bạn, cây có mắc bệnh gì cũng dùng COC85 đem ra xịt nhưng mà COC85 hay bất kỳ 1 loại thuốc nào nó cũng chỉ chuyên đặc trị một loài hoặc một vi khuẩn nào thôi. Chứ nó không có thuốc nào có thể trị được tất cả loài nấm hết.

  • Đầu tiên bạn cần biết cây của bạn đang bị bệnh gì rồi, hãy mới đi lựa thuốc sau.
  • Trường hợp bạn phun ngừa, cần giảm đi liều lượng một nửa mà bao bì nó ghi. Ví dụ, bao bì ghi 1ml/lít nước nếu mình ngừa thôi chỉ cần 0.5ml/lít nước là được. Nếu làm y như bao bì ghi như vậy nó sẽ gây nóng cho cây.

Theo như kinh nghiệm của mình, mình không có làm dụng thuốc. Mình thích trồng full nắng mưa, chỉ cần một chỗ để thích hợp, tự khắc cây khoẻ mạnh và nó sẽ kháng được bệnh. Không cần xài đến thuốc, mình dùng nước vôi trong để thay thế hoặc mình tự làm IMO 4 (vi khuẩn có lợi) để mình phun lên ngôi vườn. Cái con vi khuẩn có lợi nó là đối trọng, thiên địch với con vi khuẩn có hại, để hạn chế phát sinh nấm bệnh trong vườn.

Ngoài ra, anbaogarden gợi ý thêm cho bạn video về các dấu hiệu nấm bệnh của kênh Lâm Viên Biên Hoà:

16. Câu hỏi thường gặp

16.1. Tại sao xài nhiều thuốc nhưng cây không hết bệnh?

  • Thứ nhất là bạn đang xài thuốc sai
  • Thứ hai, chỗ để của bạn vốn dĩ không thích hợp để trồng sen đá rồi

BÂY GIỜ… Bạn có xài hơn chục loại thuốc thì cây vẫn sẽ bị bệnh. Bạn xài hết thuốc này, thì cái bệnh vẫn bộc ra nữa, bạn lại xịt thuốc khác, riết rồi bị lờn, làm cây sốc thuốc rồi chết từ từ.

Lời khuyên:

  • Bạn cần xem cây đang gặp vấn đề gì để chọn thuốc chính xác để diệt
  • Thứ hai, kiểm tra lại điều kiện chỗ trồng đã phù hợp để trồng sen đá chưa? Điều kiện ánh sáng 4-6 tiếng, gió đã đủ nhiều chưa?
  • Nếu thấy chỗ để mình bị thiếu nắng thiếu gió, cần chuyển sang một dòng cây khác đó là dòng Haworthia hoặc bạn sử dụng bổ trợ bằng đèn, ngoài hệ thống đèn ra bạn cần hệ thống thông gió, nếu thiếu gió cây vẫn bị nấm khi trồng trong nhà đó nhen.

16.2. Có cách nào tưới nước giúp cây ngăn ngừa nấm?

Có chứ! An Bảo Garden sẽ gợi ý cho mọi người cách tưới bằng nước vôi trong, dưới đây là cách pha chế:

  • Chuẩn bị 1 chén ăn cơm vôi (nông nghiệp) và 16 lít nước sạch (tương đương với 1 thùng đựng sơn).
  • Pha vôi và nước đều, nhưng cần chú ý vôi khi tiếp xúc với nước, có thể sinh ra phản ứng nhiệt và gây bỏng.
  • Để hỗn hợp qua đêm, trước khi tưới, bạn cần loại bỏ phần váng kết tủa bên trên mặt nước. Chỉ nên sử dụng phần nước vôi trong để tưới cây. Tưới thay nước sạch cho các lần tưới tiếp theo.
  • Sử dụng nước vôi này không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh nấm hiệu quả, mà còn loại bỏ các loại kí sinh trùng gây bệnh (như tuyến trùng), giúp lá sen dày hơn, hạn chế bị cháy nắng và giúp sen có màu sắc đậm hơn và bền.

Lưu ý nước vôi sẽ giúp loại bỏ nấm hại và cả nấm có lợi, vì vậy sau khi tưới một thời gian hãy bổ sung các vi sinh vật có lợi bằng Trichoderma, IMO, EMIC

emzeo emic trichoderma
Emzeo, Emic, trichoderma

Tạm kết

Trên đây là những kinh nghiệm của mình khi thực hiện cách trồng sen đá full nắng mưa và tham khảo từ nhiều bậc tiền bối đi trước mà tổng hợp lại các loại bệnh sen đá hay gặp, muốn chia sẻ lại cho cộng đồng, mong những kiến thức này sẽ bổ ích dành cho các bạn.

Chắc chắn bài viết sẽ còn những thiếu sót, mong mọi người có thể thông cảm bỏ qua và đóng góp thêm giúp Blog An Bảo Garden nhé! Bài viết khá dài mà các bạn vẫn theo dõi đến đây, mình chân thành cảm ơn.


Nguồn kiến thức:

  • Lâm Viên Biên Hoà
  • Bảo Bảo
  • Ảnh tại vườn An Bảo Garden, sưu tầm

5/5 - (1 bình chọn)

Chia sẻ

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *