Cách trồng sen đá full nắng mưa chi tiết nhất

banner Cách trồng sen đá full nắng mưa dành cho người mới
Chia sẻ

Có thể ở đây rất nhiều bạn giống An Bảo Garden, đều có sở thích ngắm nhìn các cây sen đá với màu sắc rực rỡ, đa dạng chủng loại. Đồng thời tìm cách trồng sen đá đúng chuẩn, với mong muốn sở hữu cho mình một khu vườn sen nho nhỏ xinh xắn, để mỗi ngày ra đây ngồi chill chill với một tách trà hay một ly coffee. Tuy nhiên, việc trồng và chăm sen đá có thể gây khó khăn cho những người mới bắt đầu @@.

Vậy hãy cùng anbaogarden tìm hiểu câu trả lời cho tất cả các câu hỏi như: cách trồng sen đá khi mới mua về như thế nào? Sen đá để ngoài mưa có sao không? Trồng sen đá bằng đất thường được không?… Mời bạn xem tiếp nội dung sau đây!

1. Đôi dòng tâm sự khi mới bắt đầu trồng sen đá

Với niềm đam mê về cây cảnh, đặc biệt là sen đá An Bảo đã bắt đầu trồng giống cây này rất lâu rồi:

  • Ban đầu mình trồng theo cách rất là bản năng cứ nghĩ cây thôi mà cứ bỏ đất thịt vào trồng là sẽ sống, tưới nước 2 ngày/ lần… Thế là 1 tuần sau cây sen đá đã ngủm củ tỏi.
  • Sau đó mình mày mò trên google tìm kiếm 7x7x49 các bài viết liên quan cách trồng sen đá mini đủ các kiểu, một số nguồn trên internet còn ghi rằng Cây sen đá dễ trồng lắm, dễ sống lắm. Nhưng họ không lưu ý rõ: “Chỉ dễ trồng với người chơi lâu năm, còn với người mới như mình cây vẫn chết à nhen!” Buồn dễ sợ, lúc này mình nản lắm…
  • MAY MẮN khi mình được làm việc ở một công ty cây cảnh, được gặp các anh chị chuyên gia trong mảng nông nghiệp, mới khai sáng ra nhiều vấn đề. Đặc biệt mình tìm được một kênh về sen đá siêu có tâm nên đã trồng thành công! Kakaka và bây giờ mình sở hữu hơn 60 chậu sen lớn nhỏ.

=> Túm lại, SEN ĐÁ KHÔNG DỄ TRỒNG như chúng ta thường thấy trên các trang web khác hay nhắc đến. Các nội dung đúng với sen đá trên google rất ít, đại đa số các nội dung này toàn đi copy và xào nấu lại nên khá là giống nhau.

VÌ VẬY,

Mình nghĩ cần có một blog chia sẻ về sen đá, cần có những kiến thức thực tiễn nhất, nội dung chính xác về cách trồng và chăm sóc cây sen đá. Mới giúp cho người mới chơi tránh được những sai lầm, đỡ tốn nhiều chi phí và thời gian hơn như mình lúc đầu.

Mời bạn theo dõi nội dung bài viết về phương pháp trồng sen đá từ mới mua về, cách trồng full nắng mưa sao cho chuẩn nhé!

2. Tìm hiểu về nguồn gốc cây sen đá trước khi trồng

Ở Việt Nam, sen đá được biết đến tên gọi khác là hoa đá hoặc tên tiếng anh là Succulent Plant. Với các loại đặc trưng như sen đá phật bà, sen sỏi hồng, sen dù kim, sen đá cam, sen mông (họ Aizoaceae)… Tuy đa dạng về chủng loại nhưng về cơ bản chúng đều cây mọng nước, và cách chăm sóc sẽ có điểm giống nhau.

Trong tự nhiên chúng thường xuất hiện trên các dãy núi, bám trong các khe núi cao nền đất trồng là đất thịt tự nhiên và có sức sống vô cùng mãnh liệt, ví dụ như ở nước ta, sen đá ở khắp nơi trên cung đường Fansipan.

Sen đá mọc ở vách núi khe đá Fansipan
Sen đá ngoài tự nhiên (ảnh ở Fansipan)

Không phải bạn thấy sen đá ngoài tự nhiên có sức sống khoẻ đến như thế mà nghĩ rằng rất dễ dàng thực hiện cách trồng sen đá nha. Cây chỉ dễ phát triển khi hội đủ điều kiện, và dễ chăm sóc ở những khu vực có khí hậu ôn đới như Đà Lạt, Lâm Đồng. Ở xứ nóng như Sì Gòn, miền Nam sẽ khó trồng hơn và cần thời gian thuần sen đá.

Vậy sen đá để ngoài mưa có sao không?

Với đặc tính ngoài tự nhiên ưa nắng và chịu được trời giông nên sen đá hoàn toàn có thể để ngoài trời mưa, chỉ cần bạn biết cách trồng sen đá full nắng mưa đúng chuẩn như phối trộn giá thể hợp lý thoát nước nhanh, chọn chậu trồng thích phù hợp, vị trí đặt chậu… Mời bạn xem tiếp mẹo chọn sen đá khỏe mạnh để trồng dễ dàng hơn.

3. Cách chọn sen đá

3.1. Người mới nên lựa chọn loại nào?

Đối với những bạn mới chơi: Nên chọn các loại sen đá dễ trồng như: Sen đá ma (dạng sen cành), sen đá kim tuyến, sen đá ruby, móng rồng, đá cam, sen đá xanh, chuỗi ngọc, hồng mập, dĩa hồng, bắp cải…

Nếu chưa nhiều kinh nghiệm tốt nhất bạn không nên trồng các loại sen như sen phật bà rất dễ bị mất màu, thối ngọn, lá bị mềm, xòe thấp ra không cụp lại và cứng cáp.

cách trồng sen đá - các loại dễ trồng và khó trồng
Các loại dễ trồng và khó trồng (tham khảo)

Đồng thời các loại sen đá viền lửa, sen đá hồng pháp, thạch ngọc đỏ, bông hồng trắng… cũng rất dễ bị sốc nhiệt khi trồng xứ nóng, bạn cũng lưu ý kỹ nhé!

3.2. Cách lựa sen đá đẹp khoẻ để dễ trồng và chăm sóc

  • Bạn chú ý màu sắc có đẹp và tươi không? Điều này rất QUAN TRỌNG, bởi vì sau này cây đã lớn hơn mới có màu đẹp được. Lúc đầu bạn chọn cây yếu, không có màu tươi tắn thì cây sẽ cho ra lá không được đẹp lắm.
  • Form dáng cây có bị “dị dạng” hay bình thường không? Điển hình như thân cây có bị vươn quá dài do bị thiếu nắng hoặc nghiêng nghiêng quẹo quẹo? Nếu bạn muốn điều chỉnh dáng cây đẹp hơn cũng sẽ hơi khó đấy.
  • Để ý xem toàn bộ lá có bị mềm nhũn hông? Những nơi bán sen đá thường nhập từ Đà Lạt, Trung Quốc, cây để vài ngày ở môi trường mới rồi vận chuyển xuống miền nam nên cây rất nhanh yếu, dễ hỏng.
  • Nếu chỉ một vài chiếc lá bên dưới bị héo và mềm, nhưng phần thân gốc và ngọn vẫn cứng cáp thì KHÔNG THÀNH VẤN ĐỀ. Chỉ sợ phần gốc và lá ở ngọn đều mềm thì cây đó về khó chăm lắm ạ.
  • Chú ý giá thể: Đa phần giá thể của các cây sen bầu, sen vỉ ở nhà vườn được trồng bằng xơ dừa. Nhưng nếu giá thể của chậu cây nào được trồng từ đá trân châu (đá perlite), đá pumice thì chứng tỏ cây đã được nhà vườn chăm rất kỹ, đã thuần sen ở xứ nóng.
  • Lúc lựa sen mà bạn phát hiện cây nào có phần thân đã thành thụ (chứ không có thành cong nha, hihi) thì cây có tuổi đời lâu và khỏe mạnh, dễ trồng hơn.

4. Cách trồng sen đá full nắng mưa không lo ngập úng

4.1. Môi trường sống

Bí thuật trồng sen đá đó chính là mô phỏng môi trường sống tự nhiên của chúng (chỉ cần giống 70% là được). Sen đá là cây ưa nắng, do đó bạn nên thực hiện CÁCH TRỒNG SEN ĐÁ NGOÀI TRỜI và tuyệt đối không nên trồng trong nhà.

Lúc trước, khi mới chơi sen mình cũng đem đi trồng trong văn phòng công ty nhưng được 5 ngày thì cây đã yếu và chết queo.

=> Cho dù bạn tìm giải pháp trồng sen đá trong nhà bằng cách 2-3 ngày đem phơi nắng 1 lần thì cây vẫn yếu nha. Bởi vì cây không thích di chuyển thường xuyên thích CỐ ĐỊNH một vị trí hơn, sự luân chuyển từ nhà và bên ngoài sẽ khiến cây dễ bị sốc nhiệt.

Bạn hãy tưởng tượng sáng thì bạn ở Sài Gòn, ngày hôm sau ra Đà Lạt, rồi hôm sau về lại Sài Gòn rồi cứ tiếp tục… Bạn sẽ thấy con người mình cũng sẽ cảm thấy rất mệt, chịu không nổi về sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ.

Cách trồng sen đá mới mua về ở ngoài trời
Sen đá chỉ thích hợp trồng bên ngoài, vị trí đón nắng

4.2. Phối trộn giá thể trồng sen đá

**Chú ý nhỏ về phần chất trồng cây sen:

Mình đã từng thắc mắc giống các bạn liệu trồng sen đá bằng đất thường được không? Giống như ngoài tự nhiên sen đá sống trên nền đất thịt mà nhỉ?

NHƯNG,

Có thể bạn đã biết, phần đất và đá ngoài tự nhiên đó rất dễ thoát nước và sen sống trên cao có gió rất nhiều làm cho phần đất rất mau khô thoáng. Nên sen đá mới dễ dàng sinh sống được, bạn đừng hiểu lầm mà dùng đất thịt, đất vườn để trồng sen nhé! Đất thịt có nhiều keo, mùn đất sét, dễ kết dính và khó thoát nước vì thế sẽ gây úng cây sen đá.

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ CHÍNH, cách trồng sen đá bằng giá thể nào là hợp lý với môi trường khí hậu XỨ NÓNG? Công thức phối trộn giá thể ra sao?

Giá thể trồng là một trong những yếu tố quan trọng để trồng sen đá, nên mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn và chia thành các phần để bạn dễ đọc nhen:

Cách 1: Tự phối trộn giá thể (nguyên liệu dễ tìm, giá thành mềm, xử lý thủ công)

Khi phối trộn giá thể trồng sen đá bạn cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố như sau:

“THOÁNG KHÍ + TƠI XỐP + GIỮ ẨM + DINH DƯỠNG”

Tỉ lệ phối trộn, bạn có thể tham khảo các trường hợp sau:

tỉ lệ phối trộn giá thể trồng sen đá full nắng mưa

Trong đó các nguyên liệu thành phần này là:

+Thoáng khí: Đá akadama, đá masato, đá pumice, đá nham thạch, đá san hô, hạt đất nung Việt Nam, xỉ than (xỉ than thì mọi người xin mấy bà bán hủ tiếu, nhớ xử lý trước khi dùng).

+Tơi xốp: Đá perlite, vỏ trấu nguyên hạt

+Giữ ẩm: Đá vermiculite, peat moss, trấu nguyên hạt, xơ dừa

+Dinh dưỡng: Phân chuồng, phân tan chậm, phân trùn quế, phân hữu cơ (đã được ủ mục)

Phối trộn giá thể trồng sen đá
Giá thể trồng sen đá

Chú ý nè:

  • Bạn có thể bốc mỗi thành phần là một nguyên liệu không phải trộn hết tất cả. Ví dụ như: 1 xỉ than + 1 đá perlite + 1 xơ dừa + 0.5 phân trùn quế
  • Trong 4 thành phần thì thành phần dinh dưỡng có cũng được, không có cũng không sao. Bởi vì cây sen đá ngoài tự nhiên, sống trên vách đá, vách núi vốn dĩ nó không cần dinh dưỡng. Nếu bạn muốn bổ sung dinh dưỡng thì chỉ cần nên bổ sung ít thôi, không cần quá nhiều. Trường hợp phân quá nhiều sẽ làm cây bị nóng, sốc và chết.
  • Bạn nên bổ sung thêm 1 ít bột trichoderma để giúp ngăn ngừa nấm hại.
  • Một điều đáng lưu ý mà mọi người hay bỏ qua đó chính là độ pH của giá thể. Mách bạn nè, sen đá sẽ thích giá thể hơi nghiêng về tính axit hơn.
  • Công thức giá thể của mỗi người sẽ khác nhau, do môi trường trồng và vị trí đặt của mỗi nhà. Vì vậy, mình hay ai trên internet chia sẻ phần giá thể này chỉ là lấy mức cho mọi người tham khảo thôi. Về sau, mỗi người hãy tự điều chỉnh lại về phần giá thể phù hợp với điều kiện trồng của mình nha.

BÂY GIỜ thì tiến hành trộn giá thể để thực hiện cách trồng sen đá thôi nào!

Cách 2: Hướng dẫn mua giá thể trồng sen

Bạn vẫn có thể mua các giá thể đã phối trộn sẵn trên thị trường để trồng sen đá, bởi vì tiết kiệm được thời gian xử lý hơn, đảm bảo độ sạch. Nhưng trước hết, bạn cần kiểm tra có đủ 4 THÀNH PHẦN nêu như trên không nhen. Ở đây, mình thấy có đất trồng sen đá của Soil Mix, Namix trồng khá là ổn đầy đủ các nguyên liệu: xơ dừa, đá trân châu, pumice, phân trùn quế,…

Tuy nhiên, đối với những ai thích cách trồng sen đá full nắng mưa nên phối trộn thêm thành phần THOÁNG KHÍ, TƠI XỐP thêm nha.

4.3. Cách trồng sen đá khi mới mua về

Sau khi bạn đã biết cách chọn giá thể, mua cây mới. Chúng ta còn vài bước xử lý nữa mới tiến hành hoàn thiện một chậu sen đá.

Không phải mới mua về một vỉ sen bầu, cây vẫn còn giá thể cũ và bạn đem đi trồng liền được. Lúc này phần rễ quá dài, hoặc giá thể cũ làm rễ bị bịt kín không thể hấp thu dinh dưỡng được, lâu dần cây sẽ hỏng.

Bỏ giá thể cũ & tỉa rễ:

cách trồng sen đá xử lý mới mua về
An Bảo xử lý cây sen cúc khi mới mua từ shop
  • Đầu tiên, đảo bầu sen đá, lấy hết phần đất cũ. Dùng tay tách nhẹ nhàng các giá thể xơ dừa cũ dính vào rễ.
  • Dùng kéo hoặc dao sạch, khử trùng cắt tỉa bớt rễ dập, rễ phụ. Chỉ chừa lại khoảng 1-2cm rễ chính và loại bỏ lá héo do bị sốc nhiệt.
  • Sau đó bạn đem phơi cây ở vị trí khô ráo, thoáng mát tầm 1 tuần, tránh ánh nắng. Bạn có thể chuẩn bị một cái rổ có lỗ lớn, hoặc cốc nhựa để đặt cây sen vào, phần rễ hướng xuống bên dưới.

Chọn chậu trồng

Trong vô số các mẫu chậu nhựa xi măng, nhựa, gốm, sứ, gỗ thì mình khuyên những ai trồng sen đá full nắng mưa tốt nhất nên chọn chậu ĐẤT NUNG.

Chọn chậu trồng sen mini
Chậu đất nung phù hợp trồng sen đá nhất

Bởi vì chậu dễ thoát nước hơn so với các dòng chậu khác, độ nặng vừa phải, màu sắc ấm, đơn giản, có tính decor cao. Bạn chú ý, chậu đã được được khoét lỗ bên dưới đáy nhen.

Trồng sen vào chậu

  • Sau 1 tuần lễ, các vết cắt ở rễ đã khô và cho ra rễ con mới, bạn hãy cho giá thể vào chậu và tiến hành trồng.
  • Phía dưới cùng của chậu là 1 lớp xỉ than viên lớn hoặc hạt đất nung, bên trên là các giá thể đã phối trộn sẵn từ trước.
  • Khoét một lỗ nhỏ chính giữa chậu và đặt cây nhẹ nhàng vào. Dùng tay vỗ vào 2 bên chậu để giá thể che lấp đi phần gốc. Tuyệt đối không dùng tay nén giá thể lại.
Mẹo trồng sen đá vào chậu đất nung
Đặt sen đá vào chậu và tiến hành trồng
  • Đặt chậu ở chỗ mát, sang ngay hôm sau mới bắt đầu tưới nước cho cây. Bởi vì tưới liền sau khi trồng sẽ dễ khiến cây nhiễm trùng.
  • Sau khi để chỗ bóng râm 7 ngày, dần dần chuyển cây ra chỗ nắng sáng (4 tiếng) rồi dần dần mới cho chậu cây ra vị trí nắng full ngày.

>>> Gợi ý thêm cho bạn 95 mẫu chậu sen đá cực hot trên thị trường

5. Chăm sóc cây sen đá sau khi trồng

5.1. Ánh nắng, màu sắc

Để sen đá có màu lá đẹp nhất đó là khi bạn đã áp dụng thành công cách trồng sen đá full nắng mưa. Bởi vì sen đá mà trồng trong bóng râm hay trong nhà sẽ không lên màu đẹp được. Chỉ khi cây hấp thu đủ ánh nắng và gặp điều kiện nhiệt độ thích hợp mới cho ra màu tươi tắn, rực rỡ.

Do đó, nếu bạn trồng sen đá ở xứ nóng như TPHCM, Đồng Nai, miền Tây thì vào mùa mưa cây sẽ dễ mất màu, đây là điều rất bình thường nhé. Nhưng cây sẽ đẹp nhất vào các mùa nắng trong năm.

5.2. Hạn chế việc tưới nước, nâng niu chậu sen

Nhiều bạn khi mới chơi sen rất bị “kích thích” nên cứ cầm bình xịt đi tưới sen tầm 2 lần một ngày. Bạn nên nhớ sen đá là giống cây thuộc thân mọng nước, vì thế việc sen đá rất kiêng kỵ việc tưới nước quá nhiều. Nước dư thừa trong chậu sẽ khiến cây dễ bị úng.

NGOÀI RA, bạn cũng không nên bưng chậu sen đá lên ngắm nghía suốt ngày, vì sẽ làm động bầu rễ bên trong, cũng như thay đổi vị trí, môi trường liên tục dễ làm cây bị sốc.

Bạn cứ “Mặc kệ nó” đừng quan tâm quá nhiều, tầm 3 ngày kiểm tra xem tình trạng cây như thế nào là được.

5.3. Loại bỏ lá cũ

Lá cũ, lá héo, lá nhăn, lá mềm bạn cứ ngắt ra khỏi thân cây một cách dứt khoát. Bởi vì phần lá yếu này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, tốn chất dinh dưỡng của cây sen đá. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân thu hút các loại côn trùng gây hại như rệp sát, bọ, nhện đỏ…

5.4. Bao lâu thì bón phân

Như đã chia sẻ ở phần giá thể trồng, sen đá là cây không cần chất dinh dưỡng quá nhiều. Vì vậy bạn cũng không cần phải bón phân sen đá với liều lượng lớn, chỉ cần 6 tháng bạn bón 1 ít phân, phân hữu cơ, phân trùn quế viên nén đều được.

>>> Tìm hiểu chi tiết hơn về cách chăm sen đá dành cho người mới

5.5. Phòng bệnh cho cây

Khi bạn áp dụng cách trồng sen đá full nắng mưa cây rất khoẻ sẽ gặp rất ít bệnh, tuy nhiên sẽ những trường hợp ngoại lệ, khiến bạn rơi nước mắt, kkk. Trong phân mục này mình sẽ chia sẻ 3 căn bệnh thường gặp nhất ở loài hoa đá này và phương pháp xử lý.

Cây sen đá bị nấm

Bệnh nấm ở cây thường gặp vào mùa mưa, ở điều kiện không được thoáng khí. Nấm sẽ hình thành các chấm màu đen, sậm trên lá và lan toàn bộ cây khiến cây sen đá chết dần.

sen đá bị nấm đen lá do mưa ẩm
Sen đá của An Bảo bị nấm, hic hic, Do môi trường sống quá ẩm

Cách xử lý: Bạn nên đặt cây ở vị trí khô thoáng hơn. Sau đó dùng vôi bột nông nghiệp pha loãng với nước, rồi để tới chiều cho bột vôi lắng xuống đáy chắt lấy nước vôi trong rồi phun xịt lên cho cây. Trường hợp giá thể quá ẩm ướt, bạn nên lấy bầu cây lên đem đi phơi khô và tỉa rễ bớt, sau đó thay giá thể mới để trồng.

Cây bị thối thân, nhiễm tuyến trùng

  • Bệnh này thường rất khó phát hiện vì nó nằm dưới phần gốc, rễ và cây chắc chắn sẽ chết gần như 99%. Có hai nguyên nhân, một là lúc tỉa rễ cây còn yếu, phần giá thể không sạch gặp những con tuyến trùng sẽ chui vào rễ và làm hỏng rễ. Hai là chậu bị úng, làm cho môi trường ẩm rễ bị các vi sinh vật có hại tấn công. Dần dần phần thân gốc dưới bị đen dần.
sen kim cương bị thối thân
Sen kim cương bị thối thân, không cứu được nữa
  • Cách cứu: Nếu phát hiện kịp thời như thấy phần thân dưới có màu khô, đen dần đi, lá dễ héo. Lúc này bạn nhấc cây lên dùng dao cắt ngang chỗ bị nhiễm trùng, cắt đến khi nào thấy phần bên trong gốc có màu xanh thì dùng. Sau đó đem phơi cây nơi thoáng mát, đợi có rễ con hẳn đem trồng lại
  • Cách cứu thứ 2, nếu thân bị nhiễm nặng không thể cắt được nữa thì nên bức lá đem giâm để ươm thành cây con mới
  • Bệnh này có thể phòng chống bằng cách phương pháp sinh học hữu cơ, mà không cần đến hoá học như thuốc tím. Các bạn có thể mua nấm đối kháng trichoderma về và trộn vào giá thể trước khi trồng. Lâu lâu pha dung dịch nấm đối kháng với nước và phun tưới phần gốc cây.

Cây bị rệp sáp

Rệp sáp thường xuất hiện khi cây sen đá bị ẩm, chúng có màu trắng và thường sẽ chích vào lá cây để hút dinh dưỡng và để lại những vết sẹo khiến lá bị héo dần, đặc biệt chúng lan rộng ra vườn rất nhanh.

sen đá của vườn An Bảo bị rệp bu
Sen đá của vườn An Bảo bị rệp bu

+ Để tiêu diệt chúng, đầu tiên bạn cần tách chậu sen này ra khỏi các chậu sen đá khác.
+ Trường hợp nhẹ, chỉ xuất hiện ít bạn có thể dùng nhíp lấy ra từng con một
+ Nếu trường hợp nặng bạn áp dụng 2 cách sau:

  • Cách 1, pha 3 giọt nước rửa chén và 1 lít nước, rồi đổ vào bình xịt sau đó lắc mạnh. Phun trực tiếp vào bọn rệp trên lá, tầm 3 ngày sau bạn hãy kiểm tra và phun lại lần nữa.
phun xịt xà phòng trừ rệp
Phun xịt xà phòng trừ rệp
  • Cách 2, bạn dùng cồn 70 độ pha loãng chút rồi phun xịt trực tiếp vào chỗ rệp sáp bám, dưới các nách lá, thân cây.

>> Xem thêm bài viết:

6. Tổng kết

Bài viết chia sẻ chi tiết khá dài về cách trồng sen đá mini từ lúc mới mua về, cho đến cách trồng sen ngoài trời full nắng mưa. Rất cám ơn bạn đã theo dõi đến đây.

TÚM CÁI VÁY LẠI, khi trồng sen đá bạn cần nhớ những TỪ KHÓA như sau:

  • Tưới ít nước
  • Giá thể tơi xốp, thoáng khí, ít dinh dưỡng
  • Chỉ trồng NGOÀI TRỜI
  • MACKENO (“Mặc kệ nó” đừng cầm nắm chậu sen quá nhiều)

Nếu bạn có góp ý cứ email hoặc phản hồi trong phần bình luận cho An Bảo Garden nhé. Bạn cảm thấy bài này chất lượng, hữu ích hãy lưu lại ngay hoặc chia sẻ đến người hữu duyên nhen!

ảnh thực tế tại vườn anbaogarden
An Bảo áp dụng cách trồng sen đá full nắng mưa tại vườn

***Ảnh sưu tâm và ảnh thực tế tại vườn nhà An Bảo Garden

4.5/5 - (8 bình chọn)

Chia sẻ

8 bình luận trong “Cách trồng sen đá full nắng mưa chi tiết nhất”

  1. Tất tật những gì em tìm kiếm và cần câu giải đáp! Mừng quá- Em đã tìm đúng chỗ rồi. Em cảm ơn nhà mình nhiều ạ!
    Em đọc vs tv thêm cho mh.
    Mong em sẽ bán được nhiều Sen đá- với trồng chơi cây sẽ chết ít hơn.
    Dạo này chết cây nhiều qus☠️☠️

    1. Cảm ơn Ngọc đã chia sẻ, những gì mình viết là kinh nghiệm trồng của anh chị đi trước và bản thân trải nghiệm. Mong lan toả điều này đến với mọi người!

  2. Thật tuyệt vời, cảm ơn Anbaogarden rất nhiều nhé. Bài viết của bạn giúp mình biết mình sai ở đâu để cứu tụi nhỏ nhà mình. Mình mê sen lắm. Mà chưa có nhiều kinh nghiệm. Mấy lần trước trồng mà mình làm nó ngủm hết trơn. Nhờ bạn khai sáng cho thật biết ơn bạn. Chúc bạn luôn thành công và thật nhiều bài viết hay nữa nhé. Bài viết bạn đậm chất miền tây nghe thật thích.

    1. Đầu tiên, cảm ơn chị Trang đã dành lời khen. Trên đây chỉ là chia sẻ đúc kết từ bản thân và học hỏi từ nhiều anh chị đi trước. Tuy nhiên, mỗi một khu vực và vị trí đặt chậu cây sẽ có cách chăm sóc riêng. Mong nhận được phản hồi từ chị sau vài tháng tiếp theo.

  3. Mình đang thuần cây được 3 tuần rồi. Hôm qua vừa rãi phân tan chậm vào. Có cần thiết không nhỉ.
    Sợ bỏ hơi nhiều cây nóng quá bị chết @@

    1. Mình cứ quan sát xem sao nè, quan trọng số lượng phân mình nhiều hay ít nữa? Nếu cây chịu được thì ổn, còn không thì mình đổi cây khác : )))

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang